Zing News - Tri thức trực tuyến

M

Cảnh sát trật tự cơ động nhận hối lộ người vi phạm


Ở phố núi Pleiku (Gia Lai) có rất nhiều xe vi phạm bị cảnh sát TTCĐ chặn lại, nhưng chỉ “kiểm giấy” chớp nhoáng rồi cho đi mà không hề có biên bản.





Lúc 14h40 ngày 21/4, ngay đoạn đường một chiều bên hông ngân hàng An Bình chi nhánh Gia Lai, nhóm cảnh sát chặn một đôi nam nữ chạy xe gắn máy đi ngược chiều.


Thay vì lập biên bản lỗi đi vào đường cấm, 2 viên cảnh sát lại kiểm giấy chớp nhoáng rồi bỏ đi, chiếc xe gắn máy vi phạm tiếp tục… chạy ngược chiều. Khi được hỏi, 2 người vi phạm nói: "200 ngàn đồng thì được đi".


Ngay giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Phan Đình Phùng, sau khi tha bổng xe gắn máy của một nhân viên tiếp thị kẹo cao su, nhóm cảnh sát tuýt còi một cặp nam nữ đi xe Dylan vượt đèn đỏ.


Tuy nhiên, sau khi kiểm giấy từ tay người đàn ông thì 2 cảnh sát này tiếp tục “tha bổng” người vi phạm và vặn ga đi tuần tra tiếp.




Lúc 9h15 ngày 22/4, 4 sĩ quan cảnh sát gồm 3 trung tá và 1 trung úy đi trên 2 mô tô đặc chủng BKS 81B1-00043 và 81B1-1875 chặn một ô tô chở khách dừng đón khách sai quy định trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên, nhóm cảnh sát này chỉ “kiểm giấy” rồi cho xe đi chứ không xử phạt.



Theo Lao Động

Từ một anh thợ phụ hồ đến thu nhập 1.500 USD/tháng


Người ta mất 12 năm đèn sách cho mảnh bằng tú tài, anh mất 25 năm. Những học kỳ đứt đoạn vì khó khăn cuộc sống, cả vì tai nạn suýt tước đi mạng sống... đều không thể đốn ngã anh.

Từ một phụ hồ, nghị lực đã đưa anh chạm đến công việc quản lý dự án với thu nhập 1.500 USD/tháng. Hiện nay ở tuổi 35, Phạm Văn Thanh (quản lý dự án của công ty Nhật Evolable Asia) nhìn lại con đường đời trúc trắc và nghiệm ra: thành quả cuối cùng sẽ đến với người nỗ lực không ngừng.
Học hành đứt đoạn

Gia cảnh bần hàn, ba mẹ anh bấm bụng lần lượt cho đi từng đứa con. Bảy cho hết bốn. Thanh còn ẵm ngửa đã là con nuôi. Mặc cảm theo chân thằng nhỏ ốm choắt đến trường. Sổ liên lạc tháng đầu tiên của lớp 4 vừa trả về, nhà gặp khó khăn, Thanh nghỉ. Sang năm cậu bé đòi mẹ nuôi dẫn đi học... lớp 5. Lý do: “Con muốn đi học nhưng không muốn học sau ai!”.

Năn nỉ cô giáo không được, thằng nhỏ lì lợm ham học hôm sau vẫn xách cặp xếp hàng vào lớp. Ban giám hiệu ra điều kiện: cho học nhưng sau hai tuần nhắm không theo kịp thì cho nghỉ. Thanh gật cái rụp.



Nỗ lực bền bỉ, anh thợ hồ Phạm Văn Thanh nay là quản lý dự án mạng của Evolable Asia với thu nhập mơ ước.


Hai tuần đó, Thanh cứ lẹt đẹt với điểm 3. Học yếu nhưng Thanh thà bị điểm thấp chứ không quay bài. Thanh chật vật từng chút một và rồi mùa hè năm ấy Thanh đứng vào top 5 của lớp. Thanh lúc ấy không biết đường học đứt nối là định mệnh viết sẵn cho mình.

Cô giáo lớp 6 ba lần về nhà vận động cho Thanh đi học là ba lần gạt nước mắt ra về. Thanh nghỉ, ở nhà phụ trông em và công việc đồng áng. 15 tuổi, nặng chưa đầy 30 ký, Thanh đi làm hồ, bắt đầu biết đến cái nặng rát da thịt của những bao ximăng. 20 tuổi, anh thợ xây theo cuộc mưu sinh vào Sài Gòn.

Người ta nói cứ suy nghĩ, ao ước mãi việc gì thì có ngày ước mơ thành hiện thực. Với Thanh, mẩu tin tuyển sinh lớp 6 bổ túc văn hóa của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gò Vấp (TP.HCM) là minh chứng.

23/8/1999, cái ngày anh nhớ như in. Ngày sung sướng, ngày hồi sinh, ngày đi học lại đầu tiên sau tám năm dang dở. Bước vào lớp, thấy có người đã quá ngũ tuần vẫn đi học, anh tin mình còn nhiều hi vọng. Đó là thời gian vất vả, chật vật nhưng hạnh phúc vô cùng với Thanh.

Một năm - ngày làm hồ, tối đi học hiện về trong anh bằng mùi đất cát ẩm mồ hôi thấm đẫm bộ đồ bảo hộ lao động mặc vào lớp sau một ngày quần quật trên công trường và đạp xe hàng chục cây số. Hết học kỳ I lớp 7, anh thi vượt cấp vào học kỳ II lớp 8, cùng thời gian lấy chứng chỉ A tiếng Anh. Anh nỗ lực thật nhiều để bù lại tám năm gián đoạn.

Nhưng cuộc sống không ngừng thử thách: một tai nạn lao động khiến bốn công nhân - trong đó có anh - rơi khỏi giàn giáo. Một người chết. Anh được đưa vào viện trong tình trạng giập lá lách, giập ruột, vỡ xương chậu... Tai nạn không tước đoạt mạng sống nhưng đã tước đoạt chân trời tưởng đang rộng mở của Thanh. Cho đến lúc anh ném cây nạng, bắt đầu kiếm lại từng đồng bằng việc bỏ lẻ nước khoáng thì đã mất tám tháng.

Anh quyết không bỏ đường học. Năm 2003, anh học lại lớp 8 rồi thi vượt cấp lên lớp 9. Lấy chứng chỉ B, rồi C tiếng Anh. Cuộc sống khắc nghiệt vẫn quyết không buông tha anh, một lần nữa kéo giật anh khỏi ghế nhà trường, ném vào vòng xoáy miếng cơm manh áo. Tấm bằng tú tài mãi đến bảy năm sau- 2010, anh mới được nâng niu.

Với người khác, đó là mảnh giấy chứng nhận chặng đường 12 năm đèn sách. Với Phạm Văn Thanh, nó ghi lại ký ức về 25 năm khắc nghiệt.
Nỗ lực được tưởng thưởng

Trong nỗ lực vừa học vừa làm, Thanh bước đầu tiếp xúc với máy tính. Anh tự mày mò học trên mạng rồi mở dịch vụ sửa chữa máy tính. Ham học và khao khát, Thanh đầu tư số tiền kiếm được vào các khóa trung cấp kế toán, khóa khởi nghiệp, đào tạo giám đốc điều hành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ... Năm 2008, chưa tốt nghiệp 12, Thanh mạnh dạn nộp đơn vào một công ty tin học.

Như bù lại đường học vấn gập ghềnh, con đường sự nghiệp của Thanh thuận lợi. Anh nhanh chóng ngồi vào vị trí trưởng phòng kỹ thuật, cùng lúc với việc duy trì theo học khóa đào tạo lập trình viên công nghệ thông tin của NIIT Ấn Độ (ĐH Hoa Sen). Bằng cấp ngày một hoàn thiện, kinh nghiệm làm việc dày dặn, tiếng Anh vững và ý chí kiên định, Thanh đạt vị trí giám đốc dự án của một công ty lớn trong nước rồi được các công ty nước ngoài chào đón.

Anh thợ hồ lấm bẩn bước vào lớp học bổ túc văn hóa ngày nào nay đã nắm vai trò quản lý dự án của công ty 100% vốn đầu tư Nhật Bản - Evolable Asia. Mức thu nhập 1.500 USD/tháng không hẳn là con số quá ấn tượng ở tuổi 35, nhưng với Thanh cùng những trắc trở, cơ cực anh trải qua, đó là kỳ tích.


Theo Tuổi trẻ

Clip nữ nhân viên quỳ lạy khách do đưa nhầm mặt hàng


Chỉ vì đưa nhầm nước rửa bình sửa cho trẻ em thành nước xả vải, nhân viên tại siêu thị Kids Plaza bị nữ khách hàng mắng té tát bằng lời lẽ rất chua ngoa.

Qua đối thoại trong video thì nữ nhân viên mắc lỗi trông hiền lành và mới vào làm ở siêu thị này, còn nữ khách hàng cao ráo và ăn mặc rất lịch sự không khác gì sư tử Hà Đông.
Có lý do để vị khách hàng nổi giận vì nhân viên đã mắc sai lầm khi đưa nhầm nước rửa bình sửa cho trẻ em thành nước xả vải. "Nếu con cháu tao mà uống xong có bị làm sao thì máy có đền được không?" - đây được xem là lời mắng mỏ nhân viên hợp lý.

Tuy vậy, những câu nói khác hay thái độ khi la hét nhân viên của cô ta lại khiến người xem video cảm thấy khó chịu, thậm chí bức xúc. Điển hình là: "Mày không đủ tư cách nói chuyện với tao nghe chưa, gọi ngay giám đốc của mày ra đây".

Đến khi thấy cảnh nhân viên quỳ xuống đất, nhiều người cảm thấy chạnh lòng và nóng mắt với nữ khách hàng đanh đá kia.


Bình luận về clip trên, bạn Hoàn... viết: "Kể cả có mua nhầm phải nước gì thì cũng ra gửi lại rồi nói chuyện tử tế. Mặt thì sáng sửa mà bốp chát bà nhân viên đến khổ".

Bạn Đức chia sẻ: "Là cha mẹ thì trước khi dùng sản phẩm thì cũng phải kiểm tra kĩ. Người biết lí biết tình thì quay lại đổi bình thường thôi, người ta xin lỗi thì thôi chứ ai như con động cỡn kia".

"Bà áo đen kia nên cư xử có học 1 chút, hoặc có mắng cũng vừa phải thôi. Chứ cứ xồn xồn lên như con đầu đường xó chợ", bạn Anna... nhận xét.

Trong khi bạn Trang... lại đưa ra ý kiến hơi khác: "Nếu là nước rửa bình sữa cho trẻ em, trẻ sơ sinh thì người ta giận quá mất khôn cũng dễ hiểu mà. Gặp đúng bà đanh đá nên to chuyện như này đây".

Clip:


Theo Baomoi

Hãy thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnh nhất

Ông Đặng Ngọc Tùng (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) đưa ra lời kêu gọi nêu trên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sáng nay 14-5.



Công nhân Bình Dương diễu hành phản đối Trung Quốc trong cơn mưa chiều 12-5 một cách ôn hòa - Ảnh: Bá Sơn

Trước một số diễn biến liên quan đến việc công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễu hành để phản đối việc Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng với tư cách Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kêu gọi công nhân bình tĩnh quay trở lại làm việc, thể hiện lòng yêu nước qua lao động sản xuất, không để các phần tử xấu kích động, lợi dụng tinh thần yêu nước của công nhân để thực hiện các hành vi không đúng với các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư, đời sống, việc làm của người lao động.

Ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước là Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Chúng ta có nhiều hình thức thể hiện lòng yêu nước và dù với hình thức nào đều cần đúng quy định pháp luật, cần hết sức tỉnh táo và thể hiện rõ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam”- Ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, hiện nay Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính đã vào địa bàn để trực tiếp nắm và xử lý tình hình.

Theo Tuổi trẻ

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lợi dụng rút ruột tiền thuốc


Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã làm hàng chục hồ sơ khống lợi dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người có công, rút ruột tiền thuốc của Nhà nước.
Lợi dụng tên tuổi người có công, rút ruột tiền thuốc

Việc trục lợi từ Bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua “nhân bản” kết quả xét nghiệm không chỉ xảy ra ở BV Hoài Đức, mà còn xảy ra ở cả Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Nhưng với danh nghĩa một đơn vị công ích xã hội, cách trục lợi diễn ra ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lại được thực hiện tinh vi và khéo léo hơn nhiều.

Những thẻ BHYT không phải trả bằng tiền mặt (thẻ dành cho người có công), hóa đơn khống để ăn cắp thuốc được nhân viên 115 ghi khống có khi lên tới 500.000 đồng. Có những bệnh nhân trong vòng một tháng đi khám tới 3 lần tại 115 mà không hề hay biết. Đã có hàng trăm phiếu rút thuốc BHYT của 115 Hà Nội mang tên Tạ Thị Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Hùng, Lê Thị Thuấn Anh... nhưng thực chất người lĩnh không phải là những người trên.

Bác Lê Thị Thuấn Anh (77 tuổi) ở phòng 304, số 6 Trần Nhân Tông (quận Hoàn Kiếm) không bị tiểu đường nhưng cũng nằm trong danh sách cấp phát thuốc loại bệnh này. Khi chúng tôi cung cấp đầy đủ bằng chứng trong một thời gian dài, tên tuổi của bác Thuấn Anh bị lợi dụng để 115 ăn cắp thuốc, nhà giáo về hưu này mới nhớ lại cách đây vài tháng có nhân viên của 115 đem theo cả quà đến nhà riêng để xin xỏ. Nội dung xin xỏ được bác Thuấn Anh khẳng định là "nếu có ai đến hỏi về việc cấp thuốc thì xin bác cứ nói là bác có đến khám và nhận thuốc đầy đủ".




3 chữ ký khác nhau của cùng 1 người đã được 115 Hà Nội sử dụng để ăn cắp thuốc.


Tương tự, bác Phạm Thị Lộc (73 tuổi) ở 11/823 đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cách đây chưa lâu khi gia đình đang ăn cơm, một người nữ xưng là cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 xin đến gặp bác để ký vào hóa đơn cấp thuốc tiểu đường với lý do xin về cho mẹ dùng. Do thời điểm lúc đó tranh tối, tranh sáng, lại nghe cô nhân viên nỉ non mủi lòng nên bác Lộc đã ký khống vào nhiều tờ hóa đơn mà không hề biết tên tuổi mình đang bị lợi dụng.

Dù có che đậy tinh vi đến đâu, nhưng bằng chứng là 3 tờ hóa đơn cấp thuốc của bác Phùng Đăng Bách ở Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, với ba chữ ký khác nhau đã chứng tỏ hành vi ăn cắp thuốc táo tợn của Trung tâm Cấp cứu 115. Bác Bách khi được cung cấp bằng chứng về việc bị lợi dụng tên tuổi, bất bình cho biết, vào thời điểm ghi trên hóa đơn do không đồng tình với cung cách làm việc của 115, bác đã chuyển BHYT sang BV Hữu nghị Việt - Xô. Sau khi xem kỹ 3 tờ hóa đơn, bác Bách khẳng định, mình không hề bị bệnh tiểu đường và không hề đi khám 3 lần trong một tháng. Các chữ ký ghi tên Phùng Đăng Bách đều là giả mạo.

Ở Cấp cứu 115 Hà Nội còn tồn tại một dịch vụ dùng thẻ BHYT để rút thuốc tốt đi phục vụ công tác ngoại giao. Việc này được GĐ Trần Văn Nam tin tưởng giao cho kế toán trưởng thực hiện.

Sự thật đằng sau những hồ sơ giả

Người cung cấp danh sách những người bị lợi dụng thẻ BHYT ăn cắp thuốc cho chúng tôi cũng là người từng được GĐ 115 gọi lên phòng riêng “phỉnh” rằng, cứ nhận lỗi để cứu cả tập thể. Nhưng vì ăn năn với hành động của mình, chị đã dũng cảm nói lên sự thật. Dược sĩ Lê Thị Thu Hương - cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - từng bị Thanh tra Sở Y tế kết luận sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ để lĩnh thuốc BHYT. Lý do lĩnh thuốc này được đưa ra là về sử dụng cho... mẹ đẻ, sau khi tiếp xúc với chúng tôi, chị đã quyết định “phản pháo”.

Trong đơn tường trình, chị Hương cho biết, số thuốc phải kê khai khống không tự bản thân làm, mà từ cuối năm 2012, GĐ 115 Trần Văn Nam có mở phòng khám tư tại nhà. Thời gian đó, chị Nguyễn Thị Hảo là thủ quỹ phòng khám đưa chị Hương một số danh mục thuốc yêu cầu mang về phòng khám riêng của bác sĩ Nam. Sau này, đích thân bà Nguyễn Thị Thu Hằng là kế toán 115, theo lệnh của GĐ chỉ đạo dược sĩ Hương lập hồ sơ khống, lấy một số loại thuốc xịn để làm công tác ngoại giao.

Một hồ sơ của bệnh nhân bị lợi dụng.


Sau khi Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, phát hiện việc dược sĩ Hương lập 33 bộ hồ sơ cấp thuốc giả, GĐ Nam gặp riêng dược sĩ Hương gợi ý việc trả lời cơ quan chức năng lý do xin thuốc về cho mẹ đẻ bị bệnh tiểu đường. Theo tố cáo của dược sĩ Hương, bản tường trình gửi cơ quan chức năng về nội dung vụ việc được lập tại phòng riêng của Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh và đích thân ông này đọc cho ghi.

Không chỉ có vậy, khi BHXH rà soát lần đầu phát hiện ra 33 bộ hồ sơ có thuốc tương đương với tổng số tiền là 8.656.079 đồng, dược sĩ Hương nói là không đủ tiền đóng, lập tức GĐ Nam đã rút ví đưa 3.800.000 đồng để bù vào. Khi BHXH rà soát lần 2, phát hiện thêm 16 bộ hồ sơ, GĐ Nam đã gọi dược sĩ Hương tới phòng riêng Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh khuyên tiếp tục nhận và bồi thường số tiền tương ứng 7 triệu đồng cho xong chuyện...

Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, việc dược sĩ Lê Thị Thu Hương sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ và lĩnh thuốc BHYT về sử dụng cho mẹ đẻ là vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT, cấp phát thuốc BHYT và vi phạm quy chế chuyên môn về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh.


Theo Lao Động

Đường ống cấp nước sạch cho 70.000 dân tiếp tục vỡ


Sau 6 lần vỡ đường ống nước sông Đà, đến nay, công ty chủ quản vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.


Chiều 6/5, Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex đã có những thông tin chính thức về sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, làm hơn 70.000 hộ dân Thủ đô mất nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống nước Sông Đà đã bị vỡ 6 lần. Gần đây nhất là vào ngày 25/4/2014.

Ông Tốn cho biết, ngay từ lần vỡ đường ống đầu tiên, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố. Công ty cũng thành lập tổ phản ứng nhanh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người. Vì vậy, lần gặp sự cố đầu tiên phải xử lý mất 72 giờ, lần gần đây nhất chỉ mất 11 giờ.

Lãnh đạo công ty cho hay, sắp tới, đơn vị sẽ bảo trì, bảo dưỡng tuyến ống kỹ càng... nhưng khó tránh khỏi sự cố. Khi có sự cố, công ty có phương án ứng trực 24/24, chủ động xử lý ngay.




TGĐ Công ty Nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn cho biết chưa tìm ra nguyên nhân vỡ ống nước nên có thể sự cố sẽ còn tiếp diễn.


Tại cuộc họp, ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà – người phụ trách giai đoạn thi công dự án - cho rằng, các hạng mục của dự án đã được thi công đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Ông Trung cũng cho biết, dự án đầu tư 1.553 tỷ, vay 70%, vốn tự có 30%.

Trước nghi ngờ về chất lượng của ống dẫn nước có pha sợi thủy tinh, ông Trung khẳng định, chất liệu các loại ống dẫn sử dụng đều được thực hiện đúng quy trình tư vấn và kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ông Trung nói thêm, khi thi công qua những đoạn nền đất yếu, thay vì sử dụng những đoạn ống thông thường dài 12 m, công ty dùng những đoạn ống ngắn hơn từ 2 đến 6 m để làm “mềm” đường ống.

Giải thích về việc sau 2 năm xảy ra sự cố nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, ông Trung cho hay, đây là một dự án lớn có nhiều giai đoạn, công đoạn. Ngay bản thân từng người có nhận thức, hiểu biết khác nhau nên đưa ra các nguyên nhân khác nhau.

“Có người cho rằng thi công có vấn đề, có người cho rằng sử dụng ống không đúng... Tất cả các nguyên nhân đó, chúng tôi đã họp nhiều lần, tìm hiểu, phân tích... và với trình độ hiểu biết, khả năng của chúng tôi, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân”, ông Trung nói.

Hiện, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo cơ quan chức năng đánh giá từ các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành để tìm nguyên nhân. Ông Trung nói rằng, hy vọng sớm tìm ra để có biện pháp khắc phục. Từ đó, chỉ rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân.

Theo Zing

Sau dịch sởi Hà Nội phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết


Tính đến ngày 5/5, Hà Nội đã ghi nhận 37 người mắc sốt xuất huyết tại 2 ổ dịch.


52% ca bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội

Tại Hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đầu năm nay có diễn biến phức tạp. Số ca mắc ở một số nước giảm nhưng lại tăng cao ở một số nước khác, đặc biệt là Malaysia (tăng gần 4 lần).
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm, số người mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2013 ở 3 khu vực là miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết hiện có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Số ca mắc ở miền Bắc tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%). Tính đến ngày 5/5, Hà Nội đã ghi nhận 37 người mắc sốt xuất huyết tại 2 ổ dịch. Mặc dù số người mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô giảm cả số người mắc và ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hiện nay bệnh đã xuất hiện tại 47% số quận, huyện và 5% số xã, phường.




Nếu các biện pháp phòng chống không tốt, nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát rất cao. Ảnh minh họa


Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nhận định mặc dù trong bốn tháng đầu năm, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng dự báo năm nay sẽ là năm thứ 5 (tính từ năm 2009) bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội chưa được giải quyết triệt để như thiếu nước sạch, tình hình trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trình xây dựng dang dở. Vì vậy, theo ông Cảm, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết không được triển khai quyết liệt.Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh tại Hà Nội trong tháng 5 như tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã phường trọng điểm, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt 1 vào tháng 5 và tháng 6. Cẩn thận với bệnh tay chân miệng

Không chỉ nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, tại Hà Nội, số người mắc bệnh tay chân miệng cũng đang quay trở lại.

Tính đến ngày 5/5, cả thành phố ghi nhận 192 ca tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội dự báo trong những tháng tới tình hình bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi bệnh chưa có biện pháp đặc hiệu phòng bệnh.

Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng. Ảnh: Thanh Niên



Để phòng chống các dịch bệnh, tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là nguy cơ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, ngành y tế Hà Nội không được chủ quan. Ông Hạnh khuyến khích bên cạnh việc tiêm miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng, các quận huyện cần tổ chức các điểm tiêm chủng dịch vụ, không tập trung quá đông lên thành phố gây quá tải. Ông Hạnh đề nghị Trung tâm Y tế Dự phòng các quận huyện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo các xã phường phòng chống dịch, tập trung tuyên truyền cho người dân, tập huấn cho cán bộ về cách phòng bệnh; đảm bảo hóa chất, thuốc men, phương tiện chống dịch.

Theo Zing

Đám tang đẫm nước mắt của 3 CSGT tử nạn do tại nạn giao thông


Trưa 4/5, con đường đê nối QL32 về làng Đồng Phú, dài chừng 2 km nườm nượp xe ra vào, đem theo nhiều vòng hoa và đồ phúng viếng đại úy CSGT Nguyễn Duy Hùng.

“Con trai tôi là CSGT”

Đó là lời bà Lộc (mẹ đại úy CSGT Hà Nội Nguyễn Duy Hùng) vẫn nói với người làng Đồng Phú (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mỗi khi con trai và con dâu (cùng công tác trong ngành Công an) được đơn vị khen ngợi… Con trai bà chưa đủ 30 tuổi đã là đại úy CSGT, Đội phó Đội Tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội (PC67).

Trưa 4/5, trời nắng như đổ lửa, con đường đê nối QL32 về làng Đồng Phú, dài chừng 2 km, nườm nượp phương tiện ra vào, đem theo nhiều vòng hoa và đồ phúng viếng.

Khu vực đầu con ngõ dẫn vào nhà đại úy Hùng vốn là nơi họp chợ. Hay tin anh Hùng mất, mọi người đã tự nguyện nghỉ bán, dọn sạch sạp hàng lấy chỗ tổ chức tang lễ. “Đó là một cách chia sẻ với gia đình anh Hùng. Sáng nay, người đến viếng rất đông. Cậu ấy còn quá trẻ, nhiều thứ còn ở phía trước…”, ông Nguyễn Phi Phong - Trưởng thôn Đồng Phú than thở.




Hiện trường vụ tai nạn ngày 3/5.


Con ngõ nhỏ từ đầu thôn dẫn vào tang gia tràn ngập màu áo xanh, áo vàng của các chiến sĩ công an. Họ là đồng đội của anh Hùng. Họ có mặt ở đây từ lúc linh cữu anh được đưa về gia đình. “Anh Hùng ra đi đột ngột quá”, một nữ chiến sĩ công an ngồi bên linh cữu nói trong tiếng nấc.

Trong ngôi nhà nghi ngút khói hương, mọi người bảo từ khi nhận được tin dữ về con trai, người mẹ đã khóc suốt từ lúc đó cho đến tận bây giờ.

Bà Phi Thị Hảo, bác họ của đại úy Hùng cho biết, Hùng là con út trong gia đình có 3 anh em. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình không dư giả, nhưng Hùng học hành chăm chỉ, có bằng cấp. Anh Hùng kết hôn cách đây 4 năm, vợ đã sinh được bé gái, nay đã được 3 tuổi. “Cuối năm nay vợ Hùng sẽ hoàn thành chương trình cao học của Học viện Cảnh sát nhân dân. Vợ chồng nó dự tính sau đó sinh thêm một cháu nữa. Tai họa ập đến, không biết hai mẹ con nó có đủ sức để vượt qua nỗi đau lớn thế này không?”, bà Hảo buồn bã nói.

Điều tra nguyên nhân tai nạn

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng PC67 - CA TP Hà Nội) cho biết, vụ tai nạn xảy ra khoảng 13h ngày 3/5, trên cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ. Vào thời điểm trên, ô tô mang BKS 29A - 002.85 của Đội CSGT dẫn đoàn chở 5 cán bộ, chiến sĩ đi khảo đường dẫn đoàn phục vụ đại biểu về dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (diễn ra từ ngày 8 - 10/5 tại Khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, Ninh Bình) đang trên đường từ Ninh Bình về Hà Nội, khi đi đến Km227 cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ (đoạn qua địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thì va chạm với ô tô tải chở đất đá đi cùng chiều.

Vụ tai nạn khiến phần đầu ô tô cảnh sát bị bật tung, phần kính xe phía trước vỡ vụn, 3 cán bộ, chiến sĩ CSGT gồm đại úy Nguyễn Duy Hùng (SN 1984); thượng úy Nguyễn Hiếu Ngọc (SN 1985) và trung úy Hoàng Trí Tài (SN 1985) tử vong. Hai người còn lại là trung úy Lê Minh Tuấn (SN 1983) và trung úy Hà Quang Hưng (SN 1984) bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đích thân đại tá Đào Vịnh Thắng đã chỉ đạo Đội CSGT số 8, Đội khám nghiệm đến hiện trường, phối hợp Công an tỉnh Hà Nam và Viện KSND tỉnh Hà Nam điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

“Vụ tai nạn trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra. Nguyên nhân tai nạn sẽ được thông báo chính thức khi có kết luận cuối cùng. Mọi thông tin bên lề về nguyên nhân vụ tai nạn, nếu không phải do cơ quan có chức năng phát ngôn đều không đáng tin cậy”, đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.


Theo Báo Giao Thông Vận Tải

Ngắm nhìn toàn cảnh trận địa Điện Biên Phủ từ trên cao


Những địa danh lịch sử như cứ địa đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries, đài Chiến thắng của thành phố Điện Biên Phủ hiện ra hùng vĩ qua góc máy của chiếc camera bay.




Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời". Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10/2003 và là đô thị loại 3 thuộc tỉnh Điện Biên. Thành phố có diện tích hơn 60 km², gồm 7 phường và 2 xã. Nhắc đến địa danh này không ai có thể quên chiến thắng hào hùng 60 năm trước của quân và dân Việt Nam trước trận địa được cho là "bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp.


Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố đồng thời cũng là trung tâm khu di tích. Cao khoảng 50 m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả thành phố đều có thể nhìn thấy.


Tượng đài khánh thành vào ngày 30/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chiều cao 12,6 m, bệ tượng cao 3,6 m, nặng 220 tấn, quần thể tượng đài chiến thắng gồm 3 chiến sĩ bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng.




Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Đồi nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 m, Đông Nam cao hơn 493 m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được vị trí quan trọng này.


Hố bộc phá trên đồi A1 (ngay sườn đồi) được tạo thành do nổ 960 kg thuốc nổ lúc 20h30 ngày 6/5/1954. Tiếng nổ là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng vụ nổ đã tiêu diệt một đại đội địch. Ngay sau đó Trung đoàn 174 tiến công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4h30 ngày 7/5/1954.


Nghĩa trang liệt sĩ A1, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết đều không gắn tên, chỉ có 4 ngôi mộ ghi danh các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.


Cầu Mường Thanh. 14h ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.


Sau 60 năm tồn tại, cây cầu được tu sửa nhiều lần, tuy nhiên vẫn giữ khá nguyên bản kết cấu trước đây. Người dân hiện vẫn qua lại hàng ngày trên cây cầu lịch sử.


Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm De Castries) đã bị tổ xung kích do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954.


Sân bay Điện Biên Phủ (Mường Thanh) nay thuộc phường Thanh Bình. Đây vốn là sân bay dã chiến hồi 1954 – cứ điểm 206 năm xưa, một căn cứ tiếp vận quan trọng của địch và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Ngày nay, sân bay được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không dân dụng của thành phố. Mỗi ngày, có từ 2 đến 4 chuyến lên xuống bằng máy bay ATR72 giữa Hà Nội và Điện Biên.


Tỉnh Điện Biên cũng xây mới Bảo tàng có quy mô lớn, có thể trưng bày hàng nghìn hiện vật lớn nhỏ, kể cả xác máy bay, đại pháo 105 mm. Công trình khánh thành giai đoạn đầu để kịp trưng bày phục vụ dịp Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng vào ngày 5/5/2014, dự kiến hoàn thiện vào năm 2016.


Đoạn đường 7/5 đã đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài gần 7 km, từ cầu Huổi Phạ đến hết cầu bêtông ranh giới thành phố với huyện Điện Biên. Đây là tuyến đường thuộc Quốc lộ 279 huyết mạch, thông thương với cửa khẩu Quốc tế Tây Trang nối với Lào.


Đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt trục chính của thành phố và đi qua nhiều điểm di tích thuộc quần thể di tích như: Trung tâm đề kháng Him Lam, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, điểm di tích Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng...

Theo Zing

Những cô cave vỉa hè ở Hà Nội


La cà quán trà đá để vợt khách, những cô gái bán dâm có những cách thức để giành cho mình lãnh địa riêng. Trái với vẻ ngoài ăn chơi, có những lần họ phải nợ cả tiền trà đá.

Nuôi cơn "khát thuốc"
Gần 12h đêm, tiết trời đầu hè cũng se se lạnh, đường phố Hà Nội như rộng hơn vì sự vắng vẻ đêm hôm, cuối cùng tôi cũng tìm được một hàng trà đá của một bà cụ trên đường Giải Phóng.

Vào ủng hộ cụ ly trà nóng, tôi ngạc nhiên thấy chỉ có mình bà cụ lại có chiếc xe máy WaveS dựng trên vỉa hè, cạnh hàng nước. Tôi thắc mắc về sự xuất hiện của chiếc xe máy, cụ chỉ trả lời qua loa: “Xe của họ gửi ấy mà, lát nữa quay lại lấy…”.
Gần 30 phút sau, một chiếc taxi dừng tại ngã ba đường Giải Phóng giao với phố Kim Đồng, một người phụ nữ khoảng 25 tuổi từ taxi bước xuống. Chị ta vào quán nước không chào hỏi, bà cụ rót một ly trà nóng rồi đặt về phía người phụ nữ.

Tôi đoán đó là khách quen nên cũng không lấy gì làm lạ. Thế nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là ly trà chưa được uống, nhưng cô ta liền móc túi quần lục mớ tiền lộn xộn, đưa cho bà cụ tờ 20.000 đồng rất lễ phép: “Con gửi u cả tiền nước 2 hôm trước nữa nhé”!
Cô ta ra lấy chiếc xe máy rồi phóng vụt đi, để lại luồng khói loãng dần trong ánh đèn yếu ớt. Sau những câu chuyện mà bà cụ kể lại, tôi mới hay người phụ nữ ấy chính là một một cave chuyên “bám” vỉa hè để sống qua ngày và thỏa mãn những cơn khát thuốc. Theo lời bà cụ, cô cave này đã xuất hiện và là khách quen của cụ từ hơn 1 năm nay. Cô là một con nghiện, nghề kiếm sống là bán dâm. Cứ mỗi tối, khoảng 21h cô lại đi xe máy ra hàng nước của cụ để nhờ cụ trông giúp, rồi lững thững đi bộ ra đường Giải Phóng. Theo cụ thì cô ta hay đứng trên vỉa hè phía gần ga Giáp Bát để vẫy khách.

“Mỗi lần nó đi tiếp khách bao nhiêu tôi không hỏi. Thường thì mỗi tối nó cũng 'vẫy' được 1-2 khách, có hôm chả được khách nào. Những hôm có khách, nó sẽ trả tiền trông xe, nước trà 10.000 - 20.000 đồng. Nhiều hôm không có khách thì nó lại nợ tiền”, bà cụ cho biết thêm.

Cũng theo bà cụ hàng nước, đêm tối chỉ thỉnh thoảng mới có anh xe ôm qua uống ly trà nóng, hay mấy cậu taxi ghé qua mua vài điếu thuốc lẻ. Nhưng dường như đêm nào cụ cũng dọn hàng rất muộn để đợi vị khách quen đi “làm” về cụ mới nghỉ. Vừa cố để kiếm thêm mấy mớ rau, vừa để cho vui khi có người qua lại nói chuyện, vì tuổi của cụ bây giờ cũng không ngủ được nhiều.



Nhiều cô gái bán dâm la cà ở các hàng nước để tìm khách.
Kiếm khách tại hàng nước

Vào một buổi trưa tháng 4/2014, tôi và anh bạn ra ngồi một hàng nước chè trong ngõ 110, đường Trần Duy Hưng.

Khi chúng tôi đang ngồi có cô gái khoảng 25-26 tuổi ăn mặc gợi cảm kéo ghế ngồi bên. Gọi một ly nước nhân trần, cô ta cầm vân vê xung quanh ly nước mà quên cả uống. Nhưng chưa đến 10 phút, cô ta đã hút hết 2 điếu thuốc lá. Bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại của anh bạn ngồi bên: “Cave đấy, lát nữa kiểu gì nó cũng hỏi thăm, làm quen rồi gạ bán dâm…”.
Quả thật, vài phút sau, câu làm quen đầu tiên của cô ta là nhờ tôi xem giúp đồng hồ để biết giờ. Do biết trước nên tôi tỏ ra rất thân thiện và dễ gần qua từng câu trả lời. Qua mấy câu hỏi thăm xã giao, cô ta “đá đưa” những câu nửa đùa nửa thật chuyện quan hệ nam nữ rồi cuối cùng nói: “Thế anh có muốn người tâm sự không để em đưa anh đi”…Trước lúc chia tay, cô gái tên Nhung có biệt danh là Nhung “trố” (vì cô ta có cặp mắt hơi to) buông lời hẹn hò: Khi nào anh rảnh thì a lô em nhé, rồi mình đi tâm sự; Nếu anh buồn thì a lô cho em, em sẽ biến nỗi buồn của anh thành niềm vui hết mình...

Những lời hẹn hò chào mời, gạ gẫm của cô được công khai hơn với giá 500.000 đồng cho một lần “tâm sự nhanh”, 1 triệu đồng cho một lần đi “tâm sự qua đêm”. Nhung “trố” còn tỏ ra quan tâm đến tôi hơn khi đưa ra ý kiến: “Nếu lúc nào anh cảm thấy chán em thì em gọi bạn em cho, chúng nó cũng nhiệt tình như em mà, anh yên tâm đi…”.
Về phòng trọ, anh bạn tôi kể, ngày mới chuyển phòng đến đây, anh cũng hay ra ngồi các quán trà đá. Lần đầu tiên anh từng bị choáng với cách tiếp cận và gạ gẫm đi khách của mấy “cave vỉa hè”, lần đó anh chưa hiểu chuyện gì xảy ra nên được bà chủ hàng nước trấn an thì anh mới nhận ra đó là cave.

Và theo anh, để nhận diện ra những cave hàng nước trà đá thì không khó, qua cách ăn mặc sexy, nói năng bạo dạn, trang điểm lòe loẹt, cứ có đàn ông xuất hiện ở hàng nước là tìm cách tiếp cận để bắt chuyện…

Theo Pháp luật & Xã hội

Chiến binh cuối cùng trong tổ bắt sống tướng Đờ Cát


Một lần vào phòng truyền thống sư đoàn, anh Hạnh bất ngờ nhìn thấy bức ảnh chụp cha mình, nhưng chú thích phía dưới lại đề “Đào Văn Hiến, người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát”.

Hoài niệm đồng đội

Tôi nhận lời giúp đại tá Hoàng Đăng Vinh tìm lại địện thoại đồng đội cũ là ông Đào Văn Hiếu, quê ở xã Nga Hưng (Nga Sơn, Thanh Hoá). Tuy nhiên, khi liên lạc với Hội cựu Chiến binh huyện Nga Sơn, tôi được nhiều người ở đây cho biết ông Hiếu đã mất. “Bố tôi mất đến nay được gần một năm, do vết thương cũ tái phát”, anh Đào Văn Hạnh, con trai ông Hiếu cho biết cụ thể.

Khi lên Khu Tập thể Công binh tại thành phố Bắc Ninh gặp ông Vinh, tôi thấy ông mắt đỏ hoe, ngồi lặng vì thương đồng đội. Hồi lâu, ông kể: "Ngày 7/5/1954, khi bắt sống tướng Đờ Cát, đơn vị chúng tôi chỉ còn 5 người là đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng Vinh, Nhỏ, Hiếu, Lam.


Bác Hồ gắn Huy hiệu Điện Biên cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình).


Đến dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và anh Bùi Văn Nhỏ mất, còn hai đồng đội khác là Hiếu và Lam lại bặt tin. Vì vậy, trong lần trò chuyện với phóng viên, tôi có nói: “Không biết Hiếu, Lam bây giờ ở đâu?”".

Qua trò chuyện với ông Vinh, rồi hỏi chuyện anh Đào Văn Hạnh và ông Nguyễn Văn Hùng (tác giả bài “Anh Hiếu vẫn còn sống”, hiện là Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn), tôi được biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện tìm ra ông Hiếu. Năm 1974, ông Hiếu xuất ngũ rồi về quê sinh sống.

Việc ông Hiếu tham gia bắt tướng Đờ Cát ít được nhắc đến, bản thân ông cũng không nói lại chuyện này cho ai. Mãi sau, anh Đào Văn Hạnh đi bộ đội lại vào chính sư đoàn 312, đơn vị mà cha anh từng chiến đấu năm xưa và tham gia bắt sống tướng Đờ Cát. Một lần vào phòng truyền thống sư đoàn, anh Hạnh bất ngờ nhìn thấy bức ảnh chụp cha mình, nhưng chú thích phía dưới lại đề “Đào Văn Hiến, người tham gia bắt sống tướng Đờ Cát”.

Anh Hạnh về nói lại chuyện này với bố, và lúc này ông Hiếu mới xác nhận mình từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát, còn tên có lẽ nhầm giữa hai chữu và n. Một thời gian sau, bài báo “Hiếu và Lam bây giờ ở đâu?” được đăng, ông Hùng biết chuyện và viết hồi âm.

Rồi ông kể thêm với tôi: "Sau khi chuyển đơn vị khác vào năm 1955, đây là lần thứ hai tôi có dịp gặp lại đồng đội cũ cùng bắt tướng Đờ Cát. Lần đầu là dịp được gặp lại đại đội trưởng Tạ Quốc Luật vào năm 1976, khi tôi được dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Một buổi tối, anh Tạ Quốc Luật đến khách sạn Thắng Lợi gặp tôi. Anh ôm tôi và nói: “Chúc mừng Vinh nhé”".

“Khi nghe tin anh Luật mất, tôi đã đến nhà thắp hương tưởng nhớ anh. Anh mãi là Đại đội trưởng của tôi”, ông Vinh nói.

Sau khi tìm được đồng đội, đến năm 2000, ông Vinh đã báo với đơn vị cũ biết để mời ông Hiếu đến dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 312. “Bấy nay, trong tổ bắt tướng Đờ Cát chỉ còn tôi với anh Hiếu. Nay anh Hiếu lại không còn, anh Lam bao năm vẫn bặt tin. Chẳng lẽ... đến nay chỉ còn mình tôi”, ông Vinh nghẹn ngào khi nhớ về đồng đội cũ.

Ký ức Điện Biên

Đầu buổi trò chuyện đến giờ, tôi thấy đại tá Hoàng Đăng Vinh luôn cầm chiếc Huy hiệu Điện Biên trên tay. Hỏi chuyện quanh chiếc huy hiệu này, tôi biết thêm một chi tiết mà xưa nay chưa được đề cập rõ: Đó chính là chiếc huy hiệu đầu tiên được tặng cho những người tham gia chiến dịch Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông Hoàng Đăng Vinh (thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.


Hồi đó, sau chiến thắng ít ngày, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh cùng 4 chiến sĩ khác có thành tích trong chiến dịch Điện Biên được lựa chọn để Bác Hồ tặng những chiếc Huy hiệu Điện Biên đầu tiên nhân dịp sinh nhật lần thứ 64 của Người. Khi đó, dù ông Vinh đứng thứ hai trong hàng, nhưng trước khi trao Bác hỏi: “Ở đây chú nào trẻ nhất?”.

Một chiến sĩ trong hàng vội thưa: “Thưa Bác, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh trẻ nhất, mới 19 tuổi ạ”. Bác cười: “Vậy Bác sẽ gắn Huy hiệu Điện Biên cho chú Vinh trước tiên”.

Ông Vinh kể: "Trước khi được Bác Hồ tặng Huy hiệu Điện Biên, lần đầu tôi được nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó, Đại tướng cũng hỏi tuổi tôi, rồi hỏi làm thế nào chỉ huy được tiểu đội? Tôi đã trả lời: Em bắt chước những tiểu đội trưởng đi trước, và trong mọi trận đánh em đều lao lên trước”.

Đại tướng khen: “Tốt lắm, đồng chí Vinh như thế là dũng cảm. Nhưng nhớ vừa học tập người đi trước, cũng cần phải biết sáng tạo để chiến đấu có hiệu quả”. Đến dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, ông Vinh được gặp lại Đại tướng. Sau khi bắt tay mọi người, Đại tướng nhắn nhủ: “Nhiệm vụ quân đội ta lúc này rất nặng nề, chúng ta vừa phải sẵn sàng chiến đấu, nhưng cũng phải tham gia phát triển kinh tế”.

Rồi ông kể tiếp, lần cuối được gặp Đại tướng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi đó, đang ở phía dưới, bất ngờ ông nghe Đại tướng hỏi: “Đồng chí Vinh có đây không?”.

Ông Vinh vội chạy lên chào Đại tướng. Bắt tay chiến sĩ cũ, Đại tướng nói: “Sau 50 năm còn gặp lại nhau như thế này là hạnh phúc lắm rồi”. “Lời nói ấy đến giờ vẫn văng vẳng bên tôi. Vậy mà dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, Đại tướng lại không còn nữa...”, ông Vinh rưng rưng nước mắt, nói.

Ông Hoàng Đăng Vinh bên những bức ảnh kỷ niệm về Điện Biên Phủ.


Sau khi được nhận Huy hiệu Điện Biên không lâu, Hoàng Đăng Vinh lại được triệu tập để đoàn làm phim của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Roman Carmen thực hiện một số cảnh quay về chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, người chiến sĩ trẻ có dịp gặp lại tướng Đờ Cát. Khi đó, một cán bộ điện ảnh Việt Nam chỉ anh và hỏi tướng Đờ Cát: “Ông có biết anh này là ai không?”.

Đờ Cát trả lời: “Tôi đã gặp anh này rồi”, và nói tiếp: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Lời nói đó khiến Hoàng Đăng Vinh sẵng giọng đáp ngay: “Ông chỉ huy thế nào được tôi, vì chính tôi và đồng đội đã vào hầm tóm cổ ông ra”. Lời nói ấy khiến Đờ Cát cúi mặt. Sau cảnh quay, người quay phim của đoàn làm phim lại gần Vinh và tặng anh một chiếc huy hiệu Đoàn của Liên Xô (cũ).


Theo Tiền Phong

Xe khách chở 41 người đâm trực diện xe đưa đón học sinh


Một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại phường Chư Hdrông (TP Pleiku) khiến hai xe khách hư hỏng nặng, 41 hành khách cùng 2 tài xế thoát chết hy hữu.
Vụ tai nạn xảy ra lúc 17h30 ngày 2/5, ở đường Trường Chinh nối dài, khu vực phía ngoài trung tâm thành phố.

Cảnh sát giao thông địa phương cho hay, tại thời điểm trên, xe khách Long Vân BKS TP.HCM do Nguyễn Tấn Hải (SN 1986, trú 33 Nguyễn Huệ, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chở 41 hành khách, chạy hướng Kon Tum - Sài Gòn đã đâm trực diện vào xe khách mang BKS Gia Lai do tài xế Phan Văn Thi (SN 1960, trú 93 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP Pleiku) điều khiển.



Thân xe khách đưa đón học sinh bị hư hỏng nặng, méo mó sau khi bị đâm trực diện.


Vụ tai nạn khiến hai xe khách bị hư hỏng nặng, các phụ kiện cùng kính xe vỡ vụn. Đầu xe khách Long Vân bị nát bét, 41 hành khách cùng tài xế không ai bị thương. Riêng xe khách do tài xế Thi điều khiển, thân xe bị cong hình chữ U, hư hỏng nặng,

Tài xế Thi cho biết, trước đó 2 phút, anh này vừa đưa 20 học sinh trường THPT TP Pleiku xuống xe sau khi đi thi về, đang quay đầu xe thì tai nạn xảy ra.

“Nếu các em học sinh còn trên xe, chắc chắn sẽ có thương vong”, tài xế tên Thi nói.

Đầu xe khách Long Vân bị vỡ nát.


Nhà xe Long Vân đã đưa 41 hành khách sang một chiếc xe khách mang BKS TP.HCM tiếp tục hành trình vào lúc 19h30.

Cảnh sát giao thông địa phương xác định, xe khách Long Vân không làm chủ được tốc độ, trời mưa không quan sát kỹ nên gây tai nạn.

Đến 20h, hai chiếc xe trên đã được CSGT điều xe cẩu giải phóng khỏi hiện trường, điều tiết giao thông trở lại.



Theo Lao Động