Zing News - Tri thức trực tuyến

M

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981


Chiều 6/5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Tại cuộc điện đàm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1/5 đến nay là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.



Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.


Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.Trước đó, chiều 4/5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc Lưu Chấn Dân giao thiệp nghiêm túc về vụ việc trên.Cũng trong ngày 4/5, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.Nội dung Công hàm nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan HD-981 và tàu Trung Quốc đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa Lãnh đạo hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC, các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế”; yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.”Cuối cùng, Công hàm khẳng định “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng thông qua các cơ chế đàm phán song phương để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng trên biển giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".


Theo Vietnamplus

Cảnh sát trật tự cơ động nhận hối lộ người vi phạm


Ở phố núi Pleiku (Gia Lai) có rất nhiều xe vi phạm bị cảnh sát TTCĐ chặn lại, nhưng chỉ “kiểm giấy” chớp nhoáng rồi cho đi mà không hề có biên bản.





Lúc 14h40 ngày 21/4, ngay đoạn đường một chiều bên hông ngân hàng An Bình chi nhánh Gia Lai, nhóm cảnh sát chặn một đôi nam nữ chạy xe gắn máy đi ngược chiều.


Thay vì lập biên bản lỗi đi vào đường cấm, 2 viên cảnh sát lại kiểm giấy chớp nhoáng rồi bỏ đi, chiếc xe gắn máy vi phạm tiếp tục… chạy ngược chiều. Khi được hỏi, 2 người vi phạm nói: "200 ngàn đồng thì được đi".


Ngay giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Phan Đình Phùng, sau khi tha bổng xe gắn máy của một nhân viên tiếp thị kẹo cao su, nhóm cảnh sát tuýt còi một cặp nam nữ đi xe Dylan vượt đèn đỏ.


Tuy nhiên, sau khi kiểm giấy từ tay người đàn ông thì 2 cảnh sát này tiếp tục “tha bổng” người vi phạm và vặn ga đi tuần tra tiếp.




Lúc 9h15 ngày 22/4, 4 sĩ quan cảnh sát gồm 3 trung tá và 1 trung úy đi trên 2 mô tô đặc chủng BKS 81B1-00043 và 81B1-1875 chặn một ô tô chở khách dừng đón khách sai quy định trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên, nhóm cảnh sát này chỉ “kiểm giấy” rồi cho xe đi chứ không xử phạt.



Theo Lao Động

Bài kiểm tra Văn có một không hai về thời kỳ kháng chiến


“Nguyễn Trung Thành theo em là một cây bút bá đạo trong nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”, đó là lời văn của một học sinh trong bài kiểm tra học kỳ.


Vừa qua, trên Facebook của cô giáo ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã chia sẻ bài kiểm tra môn Văn kỳ II của một học sinh lớp 12.

Với đề bài: “Cảm nhận của anh/chị về hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành”, học sinh này đã bày tỏ quan điểm về tác giả, tác phẩm cũng như sự bức xúc với cách chấm bài của giáo viên.



Bài kiểm tra Văn của học sinh lớp 12.


Trong bài văn có đoạn: “Nguyễn Trung Thành theo em là một cây bút bá đạo trong nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Em không có ý xuyên tạc nhưng thật sự tác phẩm của ông đã để lại cho giáo viên và học sinh vô vàn nỗi đau và mỗi năm có hàng triệu sĩ tử phải mất ăn mất ngủ vì tác phẩm của ông. Trong đó hình tượng Rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên thật sự là một hình ảnh nổi bật cho sự bá đạo của ông.

Hình tượng cây xà nu thật sự là một hình tượng mang tính biểu tượng và sức gợi rất cao. Nó giống như một tảng băng trôi một phần nổi và bảy phần chìm và em hi vọng giám khảo sẽ tự hiểu phần chìm của nó. Có lẽ hình tượng rừng xà nu chính là điều thành công nhất trong cuộc đời của Nguyễn Trung Thành. Khi mà nhắc đến Rừng xà nu là hàng chục triệu học sinh và giáo viên qua các thời kỳ đều nhớ đến ông.

Riêng bản thân em thấy rất bức xúc khi mà đề bài yêu cầu nêu cảm nhận của em mà lại chấm điểm theo cảm nhận của ai kia. Em và người đó có thần giao cách cảm gì đâu mà trùng khớp hoàn toàn chứ.

Thôi em xin dừng bút và chúc vị giám khảo đang chấm bài em cảm thấy vui vẻ, nếu mệt quá thì giải trí chút đi, làm việc quá sức không có lợi cho sức khỏe. Em biết đây là bài thi học kỳ nên em không sợ hủy bài thi, em xin hứa là thi tốt nghiệp em sẽ không như thế. Có điều em không hiểu là tại sao cứ cho rừng xà nu hoài thế. Thôi em xin dừng bút. Chào thân ái và quyết thắng! Thân!

Tái bút: Đoạn cuối chính là cảm nhận từ sâu thẳm tim em về rừng xà nu”.

Sau khi đăng tải lên mạng, bài văn ngay lập tức được chia sẻ nhiều trên mạng. Dưới trang cá nhân của cô giáo có hơn 100 bình luận, trên các diễn đàn, các thành viên ảo cũng tranh cãi kịch liệt. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại đối với tư duy, cách hành văn của học trò. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn đồng tình với quan điểm của học sinh này khi phản đối cách chấm bài rập khuôn, máy móc của giáo viên hiện nay.

Theo Zing

Báo TQ: Tàu cảnh sát biển Việt Nam ngăn chặn giàn khoan 981 Trung Quốc


 Theo bài báo, Cảnh sát biển TQ và Việt Nam đang đối đầu ở khu vực cách đảo Tri Tôn, nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam đang ngăn chặn hoạt động của HD-981.



Giàn khoan 981 Trung Quốc (ảnh nguồn mạng Tin tức Trung Quốc)


Theo báo chí chính thống Trung Quốc ngày 5 tháng 5, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014, (vị trí này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phê phán Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Việt Nam kiên quyết phản đối.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động bất hợp pháp của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Theo mạng "Quan sát" Trung Quốc, hiện nay, cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam đang đối đầu ở khu vực cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý về phía nam.

Bài báo cho rằng, Việt Nam đã điều nhiều tàu cảnh sát biển đến ngăn chặn giàn khoan 981 của Trung Quốc (đang hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế).

Báo Hồng Kông đăng ảnh về Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn Đại công báo, Hồng Kông)



Trong khi đó, tờ "Đại công báo" Hồng Kông đã dẫn "báo Mỹ" không nêu đích danh cho rằng, Trung Quốc "coi thường" Việt Nam (chủ quyền, tuyên bố...) cho giàn khoan HD-981 cắm ở Biển Đông (một khu vực thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển).

Bài báo còn đăng nhiều hình ảnh về cái gọi là "đường lưỡi bò", các hình ảnh về đảo, đá ngầm trên Biển Đông, hình ảnh về việc nước khác đánh bắt hải sản... thể hiện Trung Quốc rất muốn chiếm đoạt Biển Đông, chẳng khác gì hổ đói đang thèm khát Biển Đông.

Trong chuyến thăm châu Âu mới đây, ông Tập Cận Bình đã ví Trung Quốc như "con sư tử đã tỉnh", tức là con sư tử đã sẵn sàng hành động. Mà chủ trương bất hợp pháp của "con sư tử" này là "đường lưỡi bò" bao quát hầu hết Biển Đông, bất chấp chủ quyền và quyền lợi của các nước cũng như bất chấp luật pháp quốc tế.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu mới đây viết bài cảnh báo, Trung Quốc muốn định nghĩa lại luật biển quốc tế, muốn dựa vào “dấu chân của Trịnh Hòa” để đòi chủ quyền, trong khi ông Trịnh Hòa được cho là đã từng đến Ấn Độ Dương và ven bờ biển châu Phi.

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn tuyên bố, chủ quyền là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo và vùng biển trên Biển Đông.

Cho nên, chắc chắn rằng, các nước ven Biển Đông không thể mơ hồ và ngày càng thấy rõ tham vọng thực sự (bành trướng lãnh thổ) của Trung Quốc và điều này cần phải tìm mọi cách để ngăn chặn, để "cắt lưỡi bò".

Đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn Đại công báo, Hồng Kông)


Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines chiếm đóng (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Trung Quốc tìm mọi cách để "di dời" tàu đổ bộ cũ của Philippines trên bãi Cỏ Mây - Philippines có 1 tiểu đội đóng ở đây (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)


Cá trên tàu của Philippines (nguồn Đại công báo, Hồng Kông, Trung Quốc)



Giàn khoan HD-981 Trung Quốc (ảnh từ báo chí Trung Quốc)

Một số hình ảnh về trang bị của Việt Nam cũng được báo chí Trung Quốc, Hồng Kông nhân cơ hội tranh thủ đăng tải không rõ ý đồ. Động thái cần tiếp tục được theo dõi.

Theo Giaoduc.net.vn

Hãy thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnh nhất

Ông Đặng Ngọc Tùng (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) đưa ra lời kêu gọi nêu trên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sáng nay 14-5.



Công nhân Bình Dương diễu hành phản đối Trung Quốc trong cơn mưa chiều 12-5 một cách ôn hòa - Ảnh: Bá Sơn

Trước một số diễn biến liên quan đến việc công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễu hành để phản đối việc Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng với tư cách Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kêu gọi công nhân bình tĩnh quay trở lại làm việc, thể hiện lòng yêu nước qua lao động sản xuất, không để các phần tử xấu kích động, lợi dụng tinh thần yêu nước của công nhân để thực hiện các hành vi không đúng với các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư, đời sống, việc làm của người lao động.

Ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước là Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Chúng ta có nhiều hình thức thể hiện lòng yêu nước và dù với hình thức nào đều cần đúng quy định pháp luật, cần hết sức tỉnh táo và thể hiện rõ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam”- Ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, hiện nay Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính đã vào địa bàn để trực tiếp nắm và xử lý tình hình.

Theo Tuổi trẻ

Những hình ảnh tổng duyệt diễu binh Điện Biên Phủ


Buổi diễn tập cuối cùng cho lễ diễu binh, diễu hành mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên với nhiều hình ảnh ấn tượng sáng 5/5.




Buổi tổng duyệt lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu lúc 7h ngày 5/5 tại sân vận động trung tâm thành phố Điện Biên.


Lá quân kỳ tượng trưng cho 5 Đại đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ được rước đi đầu tiên, tiếp theo là đoàn quân chiến thắng.


Đoàn diễu binh xuất phát từ sân vận động rồi di chuyển sang diễu hành đường phố dài gần 3km bắt đầu từ đường Hoàng Văn Thái, qua chân đồi A1, cạnh Nghĩa trang A1 rồi tiến về đại lộ Võ Nguyên Giáp.


Lễ diễu hành bao gồm 15 nghìn người, chia thành 37 khối đại diện cho các thành phần bao gồm lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức và nhân dân một số dân tộc các tỉnh Tây Bắc.


Các khối lần lượt đi qua trụ sở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Điện Biên, Quảng trường 7/5 và kết thúc tại nhà thi đấu tỉnh (phường Tân Thanh).


Gây ấn tượng đối với người xem là màn diễu binh của các lực lượng quân đội, nghiêm trang, long trọng và hào hùng. Trong ảnh là các chiến sĩ bộ đội đặc công.


Cảnh sát biển Việt Nam.


Đây là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan.



Đoàn nam tự vệ tại khu vực chân tượng đài chiến thắng trên đỉnh đồi D1.


Đi sau các lực lượng vũ trang là đội du kích, nữ dân quân tự vệ.


Buổi tổng duyệt kết thúc lúc 9h sáng 5/5. Nghi lễ chính thức sẽ diễn ra vào lúc 8h ngày 7/5.


Theo Zing

Tuấn Mark - Mạnh Thắng

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lợi dụng rút ruột tiền thuốc


Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã làm hàng chục hồ sơ khống lợi dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người có công, rút ruột tiền thuốc của Nhà nước.
Lợi dụng tên tuổi người có công, rút ruột tiền thuốc

Việc trục lợi từ Bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua “nhân bản” kết quả xét nghiệm không chỉ xảy ra ở BV Hoài Đức, mà còn xảy ra ở cả Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Nhưng với danh nghĩa một đơn vị công ích xã hội, cách trục lợi diễn ra ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lại được thực hiện tinh vi và khéo léo hơn nhiều.

Những thẻ BHYT không phải trả bằng tiền mặt (thẻ dành cho người có công), hóa đơn khống để ăn cắp thuốc được nhân viên 115 ghi khống có khi lên tới 500.000 đồng. Có những bệnh nhân trong vòng một tháng đi khám tới 3 lần tại 115 mà không hề hay biết. Đã có hàng trăm phiếu rút thuốc BHYT của 115 Hà Nội mang tên Tạ Thị Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Hùng, Lê Thị Thuấn Anh... nhưng thực chất người lĩnh không phải là những người trên.

Bác Lê Thị Thuấn Anh (77 tuổi) ở phòng 304, số 6 Trần Nhân Tông (quận Hoàn Kiếm) không bị tiểu đường nhưng cũng nằm trong danh sách cấp phát thuốc loại bệnh này. Khi chúng tôi cung cấp đầy đủ bằng chứng trong một thời gian dài, tên tuổi của bác Thuấn Anh bị lợi dụng để 115 ăn cắp thuốc, nhà giáo về hưu này mới nhớ lại cách đây vài tháng có nhân viên của 115 đem theo cả quà đến nhà riêng để xin xỏ. Nội dung xin xỏ được bác Thuấn Anh khẳng định là "nếu có ai đến hỏi về việc cấp thuốc thì xin bác cứ nói là bác có đến khám và nhận thuốc đầy đủ".




3 chữ ký khác nhau của cùng 1 người đã được 115 Hà Nội sử dụng để ăn cắp thuốc.


Tương tự, bác Phạm Thị Lộc (73 tuổi) ở 11/823 đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cách đây chưa lâu khi gia đình đang ăn cơm, một người nữ xưng là cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 xin đến gặp bác để ký vào hóa đơn cấp thuốc tiểu đường với lý do xin về cho mẹ dùng. Do thời điểm lúc đó tranh tối, tranh sáng, lại nghe cô nhân viên nỉ non mủi lòng nên bác Lộc đã ký khống vào nhiều tờ hóa đơn mà không hề biết tên tuổi mình đang bị lợi dụng.

Dù có che đậy tinh vi đến đâu, nhưng bằng chứng là 3 tờ hóa đơn cấp thuốc của bác Phùng Đăng Bách ở Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, với ba chữ ký khác nhau đã chứng tỏ hành vi ăn cắp thuốc táo tợn của Trung tâm Cấp cứu 115. Bác Bách khi được cung cấp bằng chứng về việc bị lợi dụng tên tuổi, bất bình cho biết, vào thời điểm ghi trên hóa đơn do không đồng tình với cung cách làm việc của 115, bác đã chuyển BHYT sang BV Hữu nghị Việt - Xô. Sau khi xem kỹ 3 tờ hóa đơn, bác Bách khẳng định, mình không hề bị bệnh tiểu đường và không hề đi khám 3 lần trong một tháng. Các chữ ký ghi tên Phùng Đăng Bách đều là giả mạo.

Ở Cấp cứu 115 Hà Nội còn tồn tại một dịch vụ dùng thẻ BHYT để rút thuốc tốt đi phục vụ công tác ngoại giao. Việc này được GĐ Trần Văn Nam tin tưởng giao cho kế toán trưởng thực hiện.

Sự thật đằng sau những hồ sơ giả

Người cung cấp danh sách những người bị lợi dụng thẻ BHYT ăn cắp thuốc cho chúng tôi cũng là người từng được GĐ 115 gọi lên phòng riêng “phỉnh” rằng, cứ nhận lỗi để cứu cả tập thể. Nhưng vì ăn năn với hành động của mình, chị đã dũng cảm nói lên sự thật. Dược sĩ Lê Thị Thu Hương - cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - từng bị Thanh tra Sở Y tế kết luận sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ để lĩnh thuốc BHYT. Lý do lĩnh thuốc này được đưa ra là về sử dụng cho... mẹ đẻ, sau khi tiếp xúc với chúng tôi, chị đã quyết định “phản pháo”.

Trong đơn tường trình, chị Hương cho biết, số thuốc phải kê khai khống không tự bản thân làm, mà từ cuối năm 2012, GĐ 115 Trần Văn Nam có mở phòng khám tư tại nhà. Thời gian đó, chị Nguyễn Thị Hảo là thủ quỹ phòng khám đưa chị Hương một số danh mục thuốc yêu cầu mang về phòng khám riêng của bác sĩ Nam. Sau này, đích thân bà Nguyễn Thị Thu Hằng là kế toán 115, theo lệnh của GĐ chỉ đạo dược sĩ Hương lập hồ sơ khống, lấy một số loại thuốc xịn để làm công tác ngoại giao.

Một hồ sơ của bệnh nhân bị lợi dụng.


Sau khi Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, phát hiện việc dược sĩ Hương lập 33 bộ hồ sơ cấp thuốc giả, GĐ Nam gặp riêng dược sĩ Hương gợi ý việc trả lời cơ quan chức năng lý do xin thuốc về cho mẹ đẻ bị bệnh tiểu đường. Theo tố cáo của dược sĩ Hương, bản tường trình gửi cơ quan chức năng về nội dung vụ việc được lập tại phòng riêng của Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh và đích thân ông này đọc cho ghi.

Không chỉ có vậy, khi BHXH rà soát lần đầu phát hiện ra 33 bộ hồ sơ có thuốc tương đương với tổng số tiền là 8.656.079 đồng, dược sĩ Hương nói là không đủ tiền đóng, lập tức GĐ Nam đã rút ví đưa 3.800.000 đồng để bù vào. Khi BHXH rà soát lần 2, phát hiện thêm 16 bộ hồ sơ, GĐ Nam đã gọi dược sĩ Hương tới phòng riêng Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh khuyên tiếp tục nhận và bồi thường số tiền tương ứng 7 triệu đồng cho xong chuyện...

Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, việc dược sĩ Lê Thị Thu Hương sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ và lĩnh thuốc BHYT về sử dụng cho mẹ đẻ là vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT, cấp phát thuốc BHYT và vi phạm quy chế chuyên môn về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh.


Theo Lao Động

Tàu Trung Quốc chuẩn bị chiến đấu quanh HD-981

Trong số 80 tàu hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có 7 tàu chiến. Nhiều tàu trang bị vũ khí đã ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

>> Báo TQ: Tàu cảnh sát biển Việt Nam ngăn chặn giàn khoan 981 Trung Quốc
Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 7/5, trình bày diễn biến trên thực địa tại khu vực hạ đặt giàn khoan HD-981, đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường tổng cộng 80 tàu các loại tham gia bảo vệ và phục vụ giàn khoan.

Trong số 7 tàu quân sự hiện diện quanh giàn khoan, Việt Nam đã ghi nhận một tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh. Số còn lại là hàng chục tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính… Ngoài ra còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.

Đặc biệt, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý.



Tàu Trung Quốc chủ động gây hấn, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp.


“Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD-981 thì thì các tàu bảo vệ Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay chủ động đâm thẳng tàu Việt Nam, dùng vòi rồng, súng bắn nước làm hư hỏng tàu và gây thương tích kiểm ngư viên”, ông Thu cho hay.

Phía Việt Nam ghi nhận 2 tàu cảnh sát biển, 8 tàu kiểm ngư bị hư hại do hành động hung hăng của tàu Trung Quốc; đồng thời, do vòi rồng phun vỡ kính, 6 kiểm ngư viên đã bị thương.

“Tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều được mở bạt và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, gây nên tình hình căng thẳng trên thực địa”, đại tá Thu nói.

Đại tá Ngô Ngọc Thu. Ảnh: Tùng Lê.


Cũng theo vị Phó tư lệnh, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã có mặt kịp thời ngay từ lúc giàn khoan HD-981 tiến vào đến vị trí hạ đặt trong thềm lục địa Việt Nam, thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn và phát tín hiệu yêu cầu rời khỏi.

“Lực lượng của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước sự hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc”, ông Thu nói và cho biết,Việt Nam hoàn toàn không sử dụng tàu quân sự vào việc giải quyết, xua đuổi giàn khoan này.

Vào sáng sớm 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của Trung Quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) xuống phía Nam. Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan đã thả trôi tại toạ độ nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý.

Giàn khoan này được đặt nhằm mục đích tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Zing

Đường ống cấp nước sạch cho 70.000 dân tiếp tục vỡ


Sau 6 lần vỡ đường ống nước sông Đà, đến nay, công ty chủ quản vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.


Chiều 6/5, Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex đã có những thông tin chính thức về sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, làm hơn 70.000 hộ dân Thủ đô mất nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc công ty, kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống nước Sông Đà đã bị vỡ 6 lần. Gần đây nhất là vào ngày 25/4/2014.

Ông Tốn cho biết, ngay từ lần vỡ đường ống đầu tiên, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố. Công ty cũng thành lập tổ phản ứng nhanh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người. Vì vậy, lần gặp sự cố đầu tiên phải xử lý mất 72 giờ, lần gần đây nhất chỉ mất 11 giờ.

Lãnh đạo công ty cho hay, sắp tới, đơn vị sẽ bảo trì, bảo dưỡng tuyến ống kỹ càng... nhưng khó tránh khỏi sự cố. Khi có sự cố, công ty có phương án ứng trực 24/24, chủ động xử lý ngay.




TGĐ Công ty Nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn cho biết chưa tìm ra nguyên nhân vỡ ống nước nên có thể sự cố sẽ còn tiếp diễn.


Tại cuộc họp, ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà – người phụ trách giai đoạn thi công dự án - cho rằng, các hạng mục của dự án đã được thi công đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Ông Trung cũng cho biết, dự án đầu tư 1.553 tỷ, vay 70%, vốn tự có 30%.

Trước nghi ngờ về chất lượng của ống dẫn nước có pha sợi thủy tinh, ông Trung khẳng định, chất liệu các loại ống dẫn sử dụng đều được thực hiện đúng quy trình tư vấn và kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ông Trung nói thêm, khi thi công qua những đoạn nền đất yếu, thay vì sử dụng những đoạn ống thông thường dài 12 m, công ty dùng những đoạn ống ngắn hơn từ 2 đến 6 m để làm “mềm” đường ống.

Giải thích về việc sau 2 năm xảy ra sự cố nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, ông Trung cho hay, đây là một dự án lớn có nhiều giai đoạn, công đoạn. Ngay bản thân từng người có nhận thức, hiểu biết khác nhau nên đưa ra các nguyên nhân khác nhau.

“Có người cho rằng thi công có vấn đề, có người cho rằng sử dụng ống không đúng... Tất cả các nguyên nhân đó, chúng tôi đã họp nhiều lần, tìm hiểu, phân tích... và với trình độ hiểu biết, khả năng của chúng tôi, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân”, ông Trung nói.

Hiện, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo cơ quan chức năng đánh giá từ các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành để tìm nguyên nhân. Ông Trung nói rằng, hy vọng sớm tìm ra để có biện pháp khắc phục. Từ đó, chỉ rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân.

Theo Zing

Sau dịch sởi Hà Nội phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết


Tính đến ngày 5/5, Hà Nội đã ghi nhận 37 người mắc sốt xuất huyết tại 2 ổ dịch.


52% ca bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội

Tại Hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đầu năm nay có diễn biến phức tạp. Số ca mắc ở một số nước giảm nhưng lại tăng cao ở một số nước khác, đặc biệt là Malaysia (tăng gần 4 lần).
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm, số người mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2013 ở 3 khu vực là miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết hiện có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Số ca mắc ở miền Bắc tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%). Tính đến ngày 5/5, Hà Nội đã ghi nhận 37 người mắc sốt xuất huyết tại 2 ổ dịch. Mặc dù số người mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô giảm cả số người mắc và ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hiện nay bệnh đã xuất hiện tại 47% số quận, huyện và 5% số xã, phường.




Nếu các biện pháp phòng chống không tốt, nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát rất cao. Ảnh minh họa


Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nhận định mặc dù trong bốn tháng đầu năm, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng dự báo năm nay sẽ là năm thứ 5 (tính từ năm 2009) bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội chưa được giải quyết triệt để như thiếu nước sạch, tình hình trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trình xây dựng dang dở. Vì vậy, theo ông Cảm, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết không được triển khai quyết liệt.Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh tại Hà Nội trong tháng 5 như tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã phường trọng điểm, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt 1 vào tháng 5 và tháng 6. Cẩn thận với bệnh tay chân miệng

Không chỉ nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, tại Hà Nội, số người mắc bệnh tay chân miệng cũng đang quay trở lại.

Tính đến ngày 5/5, cả thành phố ghi nhận 192 ca tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội dự báo trong những tháng tới tình hình bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi bệnh chưa có biện pháp đặc hiệu phòng bệnh.

Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng. Ảnh: Thanh Niên



Để phòng chống các dịch bệnh, tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là nguy cơ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, ngành y tế Hà Nội không được chủ quan. Ông Hạnh khuyến khích bên cạnh việc tiêm miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng, các quận huyện cần tổ chức các điểm tiêm chủng dịch vụ, không tập trung quá đông lên thành phố gây quá tải. Ông Hạnh đề nghị Trung tâm Y tế Dự phòng các quận huyện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo các xã phường phòng chống dịch, tập trung tuyên truyền cho người dân, tập huấn cho cán bộ về cách phòng bệnh; đảm bảo hóa chất, thuốc men, phương tiện chống dịch.

Theo Zing

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam


Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là bất hợp pháp và kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Bộ Ngoại giao


Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông từ ngày 02/5 đến 15/8.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", ông Lê Hải Bình tuyên bố. "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".

Theo thông cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan HD-981 vào định vị khoan tại vị trí tọa độ trên hôm 2/5. Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hôm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho chủ tịch và tổng giám đốc của CNOOC để cực lực phản đối hành động trên và kiên quyết yêu cầu công ty này dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

"Việc làm nói trên của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc không để tái diễn những việc làm tương tự", thông cáo cho biết.




Vị trí giàn khoan (chấm đen vuông) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN


HD 981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m.

Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị rất hiện đại thế giới. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Nó được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong.

Theo Vnexpress

Đám tang đẫm nước mắt của 3 CSGT tử nạn do tại nạn giao thông


Trưa 4/5, con đường đê nối QL32 về làng Đồng Phú, dài chừng 2 km nườm nượp xe ra vào, đem theo nhiều vòng hoa và đồ phúng viếng đại úy CSGT Nguyễn Duy Hùng.

“Con trai tôi là CSGT”

Đó là lời bà Lộc (mẹ đại úy CSGT Hà Nội Nguyễn Duy Hùng) vẫn nói với người làng Đồng Phú (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mỗi khi con trai và con dâu (cùng công tác trong ngành Công an) được đơn vị khen ngợi… Con trai bà chưa đủ 30 tuổi đã là đại úy CSGT, Đội phó Đội Tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội (PC67).

Trưa 4/5, trời nắng như đổ lửa, con đường đê nối QL32 về làng Đồng Phú, dài chừng 2 km, nườm nượp phương tiện ra vào, đem theo nhiều vòng hoa và đồ phúng viếng.

Khu vực đầu con ngõ dẫn vào nhà đại úy Hùng vốn là nơi họp chợ. Hay tin anh Hùng mất, mọi người đã tự nguyện nghỉ bán, dọn sạch sạp hàng lấy chỗ tổ chức tang lễ. “Đó là một cách chia sẻ với gia đình anh Hùng. Sáng nay, người đến viếng rất đông. Cậu ấy còn quá trẻ, nhiều thứ còn ở phía trước…”, ông Nguyễn Phi Phong - Trưởng thôn Đồng Phú than thở.




Hiện trường vụ tai nạn ngày 3/5.


Con ngõ nhỏ từ đầu thôn dẫn vào tang gia tràn ngập màu áo xanh, áo vàng của các chiến sĩ công an. Họ là đồng đội của anh Hùng. Họ có mặt ở đây từ lúc linh cữu anh được đưa về gia đình. “Anh Hùng ra đi đột ngột quá”, một nữ chiến sĩ công an ngồi bên linh cữu nói trong tiếng nấc.

Trong ngôi nhà nghi ngút khói hương, mọi người bảo từ khi nhận được tin dữ về con trai, người mẹ đã khóc suốt từ lúc đó cho đến tận bây giờ.

Bà Phi Thị Hảo, bác họ của đại úy Hùng cho biết, Hùng là con út trong gia đình có 3 anh em. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình không dư giả, nhưng Hùng học hành chăm chỉ, có bằng cấp. Anh Hùng kết hôn cách đây 4 năm, vợ đã sinh được bé gái, nay đã được 3 tuổi. “Cuối năm nay vợ Hùng sẽ hoàn thành chương trình cao học của Học viện Cảnh sát nhân dân. Vợ chồng nó dự tính sau đó sinh thêm một cháu nữa. Tai họa ập đến, không biết hai mẹ con nó có đủ sức để vượt qua nỗi đau lớn thế này không?”, bà Hảo buồn bã nói.

Điều tra nguyên nhân tai nạn

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng PC67 - CA TP Hà Nội) cho biết, vụ tai nạn xảy ra khoảng 13h ngày 3/5, trên cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ. Vào thời điểm trên, ô tô mang BKS 29A - 002.85 của Đội CSGT dẫn đoàn chở 5 cán bộ, chiến sĩ đi khảo đường dẫn đoàn phục vụ đại biểu về dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (diễn ra từ ngày 8 - 10/5 tại Khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, Ninh Bình) đang trên đường từ Ninh Bình về Hà Nội, khi đi đến Km227 cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ (đoạn qua địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thì va chạm với ô tô tải chở đất đá đi cùng chiều.

Vụ tai nạn khiến phần đầu ô tô cảnh sát bị bật tung, phần kính xe phía trước vỡ vụn, 3 cán bộ, chiến sĩ CSGT gồm đại úy Nguyễn Duy Hùng (SN 1984); thượng úy Nguyễn Hiếu Ngọc (SN 1985) và trung úy Hoàng Trí Tài (SN 1985) tử vong. Hai người còn lại là trung úy Lê Minh Tuấn (SN 1983) và trung úy Hà Quang Hưng (SN 1984) bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đích thân đại tá Đào Vịnh Thắng đã chỉ đạo Đội CSGT số 8, Đội khám nghiệm đến hiện trường, phối hợp Công an tỉnh Hà Nam và Viện KSND tỉnh Hà Nam điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

“Vụ tai nạn trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra. Nguyên nhân tai nạn sẽ được thông báo chính thức khi có kết luận cuối cùng. Mọi thông tin bên lề về nguyên nhân vụ tai nạn, nếu không phải do cơ quan có chức năng phát ngôn đều không đáng tin cậy”, đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.


Theo Báo Giao Thông Vận Tải

Ngắm nhìn toàn cảnh trận địa Điện Biên Phủ từ trên cao


Những địa danh lịch sử như cứ địa đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries, đài Chiến thắng của thành phố Điện Biên Phủ hiện ra hùng vĩ qua góc máy của chiếc camera bay.




Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời". Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10/2003 và là đô thị loại 3 thuộc tỉnh Điện Biên. Thành phố có diện tích hơn 60 km², gồm 7 phường và 2 xã. Nhắc đến địa danh này không ai có thể quên chiến thắng hào hùng 60 năm trước của quân và dân Việt Nam trước trận địa được cho là "bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp.


Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố đồng thời cũng là trung tâm khu di tích. Cao khoảng 50 m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả thành phố đều có thể nhìn thấy.


Tượng đài khánh thành vào ngày 30/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chiều cao 12,6 m, bệ tượng cao 3,6 m, nặng 220 tấn, quần thể tượng đài chiến thắng gồm 3 chiến sĩ bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng.




Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Đồi nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490 m, Đông Nam cao hơn 493 m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng 7/5/1954, quân đội Việt Nam đã chiếm được vị trí quan trọng này.


Hố bộc phá trên đồi A1 (ngay sườn đồi) được tạo thành do nổ 960 kg thuốc nổ lúc 20h30 ngày 6/5/1954. Tiếng nổ là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng vụ nổ đã tiêu diệt một đại đội địch. Ngay sau đó Trung đoàn 174 tiến công đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4h30 ngày 7/5/1954.


Nghĩa trang liệt sĩ A1, được xây dựng năm 1958. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết đều không gắn tên, chỉ có 4 ngôi mộ ghi danh các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.


Cầu Mường Thanh. 14h ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.


Sau 60 năm tồn tại, cây cầu được tu sửa nhiều lần, tuy nhiên vẫn giữ khá nguyên bản kết cấu trước đây. Người dân hiện vẫn qua lại hàng ngày trên cây cầu lịch sử.


Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm De Castries) đã bị tổ xung kích do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries cùng toàn thể Bộ tham mưu vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954.


Sân bay Điện Biên Phủ (Mường Thanh) nay thuộc phường Thanh Bình. Đây vốn là sân bay dã chiến hồi 1954 – cứ điểm 206 năm xưa, một căn cứ tiếp vận quan trọng của địch và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Ngày nay, sân bay được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không dân dụng của thành phố. Mỗi ngày, có từ 2 đến 4 chuyến lên xuống bằng máy bay ATR72 giữa Hà Nội và Điện Biên.


Tỉnh Điện Biên cũng xây mới Bảo tàng có quy mô lớn, có thể trưng bày hàng nghìn hiện vật lớn nhỏ, kể cả xác máy bay, đại pháo 105 mm. Công trình khánh thành giai đoạn đầu để kịp trưng bày phục vụ dịp Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng vào ngày 5/5/2014, dự kiến hoàn thiện vào năm 2016.


Đoạn đường 7/5 đã đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài gần 7 km, từ cầu Huổi Phạ đến hết cầu bêtông ranh giới thành phố với huyện Điện Biên. Đây là tuyến đường thuộc Quốc lộ 279 huyết mạch, thông thương với cửa khẩu Quốc tế Tây Trang nối với Lào.


Đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt trục chính của thành phố và đi qua nhiều điểm di tích thuộc quần thể di tích như: Trung tâm đề kháng Him Lam, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, điểm di tích Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng...

Theo Zing